FLASH NEWS:

Mặt bằng thi công Vành đai 3 qua Hóc Môn đã hoàn thiện, nhà thầu tăng tốc

Sau 3 tháng khởi công, gói thầu XL-08 thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đi qua huyện Hóc Môn đang dần hình thành.

Nhìn từ trên cao, tuyến Vành đai 3 qua huyện Hóc Môn băng qua khu vực ruộng đồng mênh mông. Chúng ta đã có thể nhìn thấy được hướng tuyến khá rõ. Nhà thầu cào bóc hữu cơ phần đường hai bên, phần giữa vẫn giữ nguyên lại như thiết kế để triển khai giai đoạn sau.

Gói thầu XL-08 đoạn qua huyện Hóc Môn khởi công từ ngày 26/7, dự kiến thi công trong 1.080 ngày bao gồm có một cầu cạn vượt đường Nguyễn Văn Bứa, hai cầu vượt qua kênh và phần đường cao tốc dài hơn 7 km, với tổng giá trị gói thầu là 1.417 tỷ đồng. (Trong ảnh là khu vực lán trại Ban chỉ huy của nhà thầu).

Sau khi chuẩn bị xong phần lán trại, nơi ăn chốn ở cho cán bộ, kỹ sư, công nhân, nhà thầu đã huy động hàng chục thiết bị và phương tiện đến công trường. Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 là đơn vị thi công gói thầu XL08.

 

Đại diện nhà thầu cho biết, công việc hiện tại chủ yếu thi công móng cọc cho phần cầu và phát quang dọn dẹp mặt bằng, đào bóc hữu cơ phần đường,... Tiến độ đang có dấu hiệu bị chậm lại do gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu cát đắp.

 

Mặc dù vậy, nhà thầu vẫn quyết tâm hoàn thành đúng hạn. Trong thời gian chờ cát, nhân lực đang tập trung triển khai phần cọc khoan nhồi cho cầu vượt Nguyễn Văn Bứa, hiện đã hoàn thành 10/82 cọc. Theo kế hoạch, toàn bộ phần cọc khoan nhồi này sẽ được hoàn thành trong năm 2023.

 

Mỗi ngày có khoảng 30 công nhân chia thành 2 ca làm việc liên tục. Từ công tác khoan cọc, gia công lồng thép và đổ bê tông cọc. Nhà thầu khẳng định đã sẵn sàng về nhân lực, thiết bị và hệ thống nhà điều hành, cam kết sẽ tập trung để đẩy nhanh bắt kịp tiến độ ngay khi khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu cát đắp được tháo gỡ.

 

Nói về vấn đề thiếu cát đắp, ông Lương Minh Phúc cho biết, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh và Đồng Tháp để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh để phục vụ dự án đường Vành đai 3.

 

Sau khi có đủ vật liệu, nhà thầu sẽ thi công đường công vụ trước để tiếp cận đường chính và xử lý phần đất yếu rồi mới đắp cát nền phần đường cao tốc.

 

Một nhà xưởng có tuyến đường Vành đai 3 đi qua cũng đã di dời. Phần thô trên mặt bằng xưởng đang được tháo dỡ.

 

Dự án Vành đai 3 dài 76 km, đi qua 4 tỉnh, thành, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng là công trình giao thông lớn nhất phía Nam được khởi công trong tháng 6. Tại TP.HCM, dự án đi qua TP Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Từ cuối tháng 6, 330 hộ dân ở huyện Hóc Môn đã hoàn tất bàn giao 100% mặt bằng để xây dựng đường Vành đai 3, giúp huyện Hóc Môn trở thành địa phương đầu tiên tại TP.HCM về đích trước hạn. Ban Giao thông cho biết, gói thầu qua TP Thủ Đức, Hóc Môn đã thi công, đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để đấu thầu các gói thầu còn lại từ nay đến cuối năm. (Trong ảnh là móc điểm đầu tại Km62+700 của gói thầu XL-08, cách Quốc Lộ 22 khoảng 800m).

 

 

Share this Post :
Cùng chủ đề: Vành đai 3 TP.HCM,

Bài viết liên quan

Tài liệu


Địa điểm nổi bật